Ngày nay, tỉ lệ vô sinh càng tăng lên do rất nhiều nguyên nhân mà đôi khi chúng ta không lường trước được. Điều này có thể đến từ bạn hay người chồng. Cũng có không ít trường hợp, không có thai được do cả hai chưa chăm sóc sức khỏe sinh sản của cơ thể đúng cách.
Nếu bạn đang mong con, hãy chăm sóc mình bằng cách thực hiện tốt 5 điều dưới đây nhé.
1. Ngừng thuốc tránh thai và các loại khác nếu không cần thiết
Nếu bạn đang dùng bất kì biện pháp tránh thai nào, hãy dừng sớm để thuốc hết tác dụng trong người trước khi có thai. Phụ nữ uống thuốc tránh thai dài ngày phải ngừng uống trên 6 tháng mới được có thai, tránh ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Nếu đặt vòng tránh thai, sau khi tháo vòng ra thì cần phải đợi đến 2 - 3 kì kinh nguyệt ổn định trở lại mới nên có thai.
Đối với các loại thuốc điều trị bệnh khác cũng vậy. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc để biết thuốc có ảnh hưởng gì không nếu chẳng may có bầu khi đang điều trị. Tốt nhất, bạn nên dừng thuốc một thời giản rồi mới có bầu.
2. Kiểm tra sức khỏe
Có em bé không phải là ảo thuật, mà là khoa học. Nó chỉ thành công khi cả hai có sức khỏe tốt, đảm bảo điều kiện thụ thai. Vì vậy, nếu muốn nhanh có thai, hãy đi khám sức khỏe tiền sinh sản bạn nhé.
Hãy trình bày dự định có con với bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe toàn diện. Việc khám cơ bản gồm đo nhịp tim, huyết áp, kiểm tra vú, âm đạo và xét nghiệm pap (nếu cần). Bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn làm thêm các xét nghiệm máu, nước tiểu để biết bạn có đang mắc bệnh nào không.
Bạn cũng không nên giấu bác sĩ về tiền sử bệnh của gia đình. Đôi khi, sự tìm hiểu lịch sử gia đình đem lại những thông tin liên quan đến những rối loạn về máu mang tính di truyền. Lịch sử bệnh trong gia đình có thể cho thấy bạn có thể (hoặc không) có nguy cơ lan truyền các rối loạn mang tính di truyền (như xơ nang), rối loạn nhiễm sắc thể (như hội chứng Down) hoặc dị tật bẩm sinh (như hở hàm ếch).
3. Nắm rõ chu kì kinh nguyệt của mình
Trong mỗi chu kì, chỉ có một trứng phát triển và rụng để thụ tinh với tinh trùng, phát triển thành bào thai. Tùy cơ địa và vòng kinh mà thời điểm rụng trứng của chị em có thể không giống nhau. Thông thường, chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ trung bình là 28 ngày thì trứng thường rụng vào khoảng giữa chu kì (ngày thứ 14). Những ngày xung quanh ngày rụng trứng có tỉ lệ đậu thai cao nhất.
Đó là lý do vì sao các bác sĩ sản khoa thường khuyên bạn nên "quan hệ" tích cực trong khoảng thời gian này (trước và sau khi rụng trứng vài ngày).
4. Bổ sung dưỡng chất cần thiết
Giai đoạn chuẩn bị mang thai cũng quan trọng không kém gì khi đã mang thai. Ở những tháng chuẩn bị này, bạn cần bổ sung acid folic cần thiết cho sự phát triển của em bé. Khi cơ thể được bổ sung đủ acid folic, trứng cũng phát triển đểu đặn hơn và giúp đảm bảo giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi sau khi thụ thai, thậm chí cũng tránh những bất thường dẫn đến sẩy thai.
Nếu trứng không đủ trưởng thành, cơ hội thụ thai sẽ giảm, và các khuyết tật ở trẻ hoặc sẩy thai dễ xảy ra.
5. Giữ tinh thần thoải mái
Đừng suy nghĩ quá nhiều về chuyện này cho dù bạn đang cố gắng để có thai. Trong nhiều trường hợp, tâm trạng lo lắng thái quá lại chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến đến chu kì rụng trứng và khiến cho bạn càng khó thụ thai hơn. Bạn có thể áp dụng các biện pháp giúp mình thư giãn như tập yoga, thiền… Tránh căng thẳng sẽ đem lại cho bạn những cơ hội tốt hơn việc thụ thai.