banner
  • qc 1
  • qc 2
  • qc 3

Xé lòng mẹ trẻ ôm con 7 tháng nhảy cầu: Mẹ đã về ấm nhang, con vẫn còn trôi dạt

Khi phát hiện vợ bị trầm cảm sau sinh, người chồng không kịp thời ngăn chặn để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Những ngày vừa qua, một lần nữa, các mẹ lại bàng hoàng khi hay tin một mẹ trẻ có dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm ôm con nhảy cầu tự vẫn, đến nay vẫn chưa thể tìm được thi thể cháu bé.

Theo trình bày của anh S. (sinh năm 1992, trú tại Quận Hoàng Mai, Hà Nội), vào sáng ngày 23/9 vợ anh là Trần Phương T. (sinh năm 1993) đã bế con gái 7 tháng tuổi rời khỏi nhà. Sau đó gia đình anh đã đi tìm kiếm nhưng không có kết quả nên đã nhờ mạng xã hội tìm giúp hai mẹ con. Cũng theo anh S., sau khi sinh con được khoảng 4 tháng, vợ anh có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, thay đổi tính tình và hầu như không nói chuyện với mọi người trong nhà.
 

xe-long-nguoi-phu-nu-nghi-bi-tram-cam-om-con-nhay-cau-tu-tu-01
Đơn trình báo của người chồng


Ngày 25/9, trao đổi với PV, người thân của chị Trần Phương T. cho biết, gia đình đã tìm thấy thi thể chị T. ở bờ sông Hồng, đoạn gần khu vực cầu Thanh Trì (Hà Nội), còn cháu bé vẫn chưa tìm thấy. Hiện gia đình vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng làm các thủ tục pháp lý và điều tra nguyên nhân vụ việc. Đồng thời tìm kiếm cháu bé. Trong bàng hoàng giữa tin xấu đến với gia đình, người thân của chị T. vẫn còn chút niềm tin "Hy vọng điều tốt đẹp và phép màu sẽ đến với cháu".
 

xe-long-nguoi-phu-nu-nghi-bi-tram-cam-om-con-nhay-cau-tu-tu-02
Hình ảnh chị T. và con trước khi bỏ nhà ra đi (Ảnh facebook nhân vật)


Cứ mỗi một năm qua đi, lại có thêm những câu chuyện đau lòng chung một mẫu số: Mẹ ôm con nhảy cầu hoặc nhảy lầu tự vẫn. Gần đây nhất, chắc hẳn các mẹ vẫn không thể quên được hình ảnh chiếc xe đỏ dựng lại bên thành cầu cùng đôi dép và một lá thư tuyệt mệnh của mẹ bầu 7 tháng. Người mẹ trẻ đã bỏ lại tất cả, cùng đứa con chưa thành hình ra đi mãi mãi dưới dòng sông lạnh.

Chưa kịp nguôi thương tiếc một đóa hoa mạn đà la buồn mang trong mình nỗi sợ hãi mang tên trầm cảm thì giờ đây, lại một lần nữa chứng bệnh trầm cảm sau sinh gióng lên hồi chuông cảnh báo. Đã có quá nhiều cái chết, quá nhiều mất mát chỉ vì "sát thủ" trầm cảm sau sinh. Hẳn các mẹ còn nhớ cách đây một năm (12/6/2017) chị Tr. (Thạch Thất, Hà Nội) vừa mới sinh con được 33 ngày tuổi vì trầm cảm, sinh ra ảo giác đã giết chết con mình và tạo hiện trường giả với dòng chữ để lại trên bậc cầu thang. Sau tất cả những chuyện đau lòng này chắc chắn không còn ai có thể nói trầm cảm sau sinh hay trầm cảm trong lúc mang thai là chuyện hoang đường và là sản phẩm trí tưởng tượng của các bà mẹ nữa. Nó thật sự đã mượn tay mẹ cướp đi sinh mạng của những đứa con bé nhỏ, ngây thơ và gây ra thảm cảnh chồng mất vợ, con mất mẹ, anh chị mất em cho biết bao gia đình. Vậy nên, mối quan tâm dành cho căn bệnh này tuyệt đối không thể xem nhẹ.

Nhận biết chứng trầm cảm sau sinh

Sau sinh, hormone thay đổi, cộng thêm áp lực con cái khiến nhiều mẹ bỉm rơi vào trầm cảm. Đáng nói không phải ai cũng biết mình mắc bệnh để nhờ sự giúp đỡ. Đề phòng những trường hợp không hay xảy ra, chồng và những người thân trong gia đình nên học cách nhận biết chứng trầm cảm sau sinh:

- Suy nhược cơ thể: Sau sinh mẹ bỉm luôn bị stress bởi tiền bạc, con cái, vợ chồng khiến tâm trạng lúc nào cũng căng thẳng cao độ, đôi khi họ còn cảm thấy cô độc trong chính ngôi nhà của mình... Khi mẹ suy nghĩ, khóc quá nhiều sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, thờ ơ với tất cả mọi chuyện.

- Không có tình cảm với con: Đây chỉ là điều mẹ bị trầm cảm hoang tưởng. Đôi khi mẹ còn thấy con chính là cục nợ.

- Cảm thấy không an toàn: Là điều kiện trực tiếp dẫn đến tình trạng căng thẳng quá độ khiến mẹ khó thư giãn, cảm giác bức bối như muốn nổ tung.

- Cảm giác bị ám ảnh: Cuộc sống của mẹ sau sinh thường xoay quanh con cái, chỉ cần một vấn đề nhỏ cũng khiến mẹ bị hoảng loạn: Sức khỏe của con, sữa không đủ cho con bú,... Đặc biệt mẹ cảm thấy mình không phải là người mẹ tốt, những người xung quanh có thể làm hại con.

- Giấc ngủ bị rối loạn: Những người bị trầm cảm thường rất khó ngủ, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thường gặp ác mộng, khóc lóc,...

Khi thấy những dấu hiệu nguy hiểm này hãy ngay lập tức đến bác sĩ và thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.

Cách phòng tránh trầm cảm sau sinh

Hầu hết những người phụ nữ vừa sinh con xong đều phải đối mặt với chứng bệnh này, nhưng việc này hoàn toàn được đẩy lùi khi biết cách phòng tránh trầm cảm sau sinh. Duới đây là những gợi ý của bác sĩ:

- Tập thể dục: Tập luyện thể dục hàng ngày là phương pháp tuy cũ nhưng lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Mẹ bầu tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bản thân thoải mái, sức khỏe tốt mà còn phòng tránh nguy cơ bị trầm cảm “quấy rầy”.

- Nói chuyện với người thân: Sau sinh là quãng thời gian gây “ám ảnh” nhất của các mẹ, lúc này bạn nên thường xuyên nói chuyện với bạn bè, cha mẹ, san sẻ công việc với chồng. Hạn chế gặp những người xa lạ, cố gắng bỏ ngoài tai những lời khó nghe.

- Cố gắng ngủ: Khi đi ngủ bạn thường lo lắng con đói, khóc,... khiến mẹ khó ngủ sâu. Mẹ hãy cố gắng tập thói quen cho con trẻ ngủ đúng giờ, tránh tình trạng “ngủ ngày cày đêm”. Ngoài ra mẹ nên cố gắng ngủ trưa mỗi ngày, điều này sẽ giúp sức khỏe và tinh thần thoải mái hơn.

- Không so sánh với người khác: Hãy nhớ rằng mình là người mẹ tốt nhất, ngưng ngay những suy nghĩ so sánh với người khác: Chắc họ khỏe nên họ có nhiều sữa hơn mình, con họ nặng hơn con mình,... đừng để những áp lực như vậy đè lên đôi vai của bạn.

Ngoài sự cố gắng của bản thân, trong việc phòng chống trầm cảm sau sinh người thân trong gia đình, đặc biệt là chồng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Là người đàn ông trụ cột của gia đình, người chồng nên:

- Thường xuyên quan tâm, hỏi han, nói chuyện với vợ

- Chơi với con thường xuyên

- Là người đứng giữa giải quyết những mâu thuẫn của mẹ chồng nàng dâu

- Tâm sự với vợ những chuyện xảy ra trong ngày

- Thể hiện tình cảm nhiều hơn

- Đảm bảo vấn đề tài chính để vợ yên tâm chăm con.

Sưu tầm