Xin chúc mừng, bạn đang mang thai! Mang thai là một thời gian thú vị và hạnh phúc, nhưng đôi khi có thể gây căng thẳng. Bạn hãy làm mọi thứ có thể để giữ gìn sức khỏe cho bản thân bạn và cho bé một khởi đầu khỏe mạnh; điều này sẽ giúp bạn yên tâm.
Sinh non: thai nhi sẽ lớn lên từng ngày trong tử cung, sự phát triển của thai nhi mạnh mẽ và em bé của bạn gần như phát triển hoàn chỉnh vào những tuần lễ cuối cùng của thai kỳ. Trong một trường hợp đa thai (sinh đôi hoặc sinh ba) thường bạn sẽ sinh sớm hơn vài tuần so với ngày dự sinh, và trong những tình huống này, em bé của bạn sẽ có những nguy cơ về hô hấp hoặc có những bất thường khác. Phát hiện sớm những dấu hiệu báo trước ngăn chặn việc sinh non có thể xảy ra.
Bổ sung Acid folic: Axit folic là vitamin nhóm B có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Ăn nhiều thức ăn chứa acid folic… hoặc bổ sung vitamin với 400 microgram (mcg) axit folic mỗi ngày, trước và trong khi mang thai.
Bà bầu cần bổ sung axit folic mỗi ngày. Ảnh minh họa: Getty Images
Hút thuốc trong khi mang thai là nguyên nhân có thể gây ra tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Cố gắng bằng mọi cách để bỏ hút thuốc lá nhé bạn. Nên lưu ý, khi trong nhà có người hút thuốc lá (chồng bạn chẳng hạn) thì bạn vẫn có thể nghiện thụ động thông qua việc hít khói thuốc lá đấy).
Rượu: Khi bạn uống rượu, em bé của bạn cũng sẽ biết uống rượu khi còn trong bụng mẹ.
Tiêm chủng: tiêm chủng đúng vào đúng thời điểm có thể giúp cho bạn và em bé của bạn khỏe mạnh; ví dụ tiêm ngừa rubella trước khi có thai, tiêm phòng uốn ván (VAT) trong khi mang thai.
Cúm và thai: Nếu bạn đang mang thai, tiêm phòng cúm là cách bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh nặng do cúm. Tiêm ngừa cúm có thể bảo vệ cho bạn, cho con bạn thậm chí cho cả người thân trong gia đình.
Nhiễm trùng: đôi khi bạn không cảm thấy mình bị bệnh. Việc khám thai định kỳ, phát hiện những thay đổi của cơ thể sẽ có thể phát hiện sớm triệu chứng bệnh, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng có thể gây hại cho thai nhi.
-
HIV: Nếu bạn đang mang thai hoặc đang có ý định có thai, làm xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt và khuyến khích cả chồng bạn cùng tham gia. Nếu bạn nhiễm HIV và đang mang thai, chương trình phòng tránh lây nhiễm HIV sẽ giữ cho bạn khỏe mạnh và tránh việc lây truyền HIV sang con của bạn.
-
Viêm nhiễm sinh dục trong thai kỳ: bạn sẽ được xét nghiệm huyết trắng và điều trị nếu cần để giúp cho âm đạo sạch sẽ, việc cắt may tầng sinh môn sẽ được thuận lợi, vết may mau lành và con bạn sẽ tránh được nhiễm trùng sơ sinh.
Đái tháo đường: kiểm soát không tốt đái tháo đường khi mang thai làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và các vấn đề khác cho em bé của bạn. Đái tháo đường có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho bạn trong khi mang thai và trong khi sinh.
Cao huyết áp: huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ của các vấn đề trong thai kỳ.
Vấn đề dùng thuốc: một số thuốc được sử dụng khi có thai có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho em bé của bạn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ khi cần dùng thuốc. chỉ nên sử dụng thuốc thuốc theo toa bác sĩ; không tự ý dùng thảo dược hoặc sử dụng thảo dược mà không biết rõ nguồn gốc.
Môi trường sống và nơi làm việc: môi trường sống ô nhiễm hoặc không khí tại nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Tìm cách để giảm bớt những tác hại nhất định để giảm bớt những nguy cơ.
Những yếu tố di truyền có liên quan gia đình
Hiểu về những yếu tố di truyền có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, chậm phát triển ở trẻ em.
Xét nghiệm di truyền: hãy chia sẻ với bác sĩ những lo lắng của bạn về khả năng xảy ra những rối loạn di truyền cho con bạn, bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện một số xét nghiệm di truyền trước khi em bé được sinh ra.
Những quan tâm khác
Ra máu khi mang thai, bao gồm sẩy thai, thai ngoài tử cung. Đến cơ sở y tế ngay khi thấy những vấn đề trên xảy ra.
Du lịch: Nếu bạn đang có kế hoạch một chuyến đi trong nước hoặc quốc tế, hãy nói chuyện với bác sĩ nhé. Vì chuyến đi đôi khi có thể gây ra các vấn đề trong thai kỳ, đặc biệt là vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.
Bạo hành gia đình: có thể dẫn đến chấn thương và tử vong cho thai phụ và thai nhi trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nên chia sẻ điều này với gia đình hoặc các tổ chức để được hỗ trợ.
Những điều cần biết trước khi sinh con
Sữa mẹ dễ tiêu hóa, có nhiều kháng thể. Ảnh minh họa: Getty Images
Cho con bú: Bạn và em bé của bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích từ việc con bú sữa mẹ. Sữa mẹ dễ tiêu hóa, có nhiều kháng thể, bảo vệ em bé của bạn khỏi bị nhiễm khuẩn.
Vàng da sinh lý: trẻ bắt đầu vàng da từ ngày thứ ba sau sinh và chấm dứt sau một tuần. Vàng da đôi khi có thể dẫn đến tổn thương não ở trẻ sơ sinh. Trước khi xuất viện, bác sĩ hoặc hộ sinh sẽ tư vấn cho bạn tình trạng vàng da, kiểm tra lượng bilirubin nếu cần.
Sàng lọc sơ sinh: Trong vòng 48 giờ sau sinh, sau khi được tư vấn, con bạn sẽ được lấy một mẫu máu từ gót chân để thực hiện xét nghiệm tầm soát nhược giáp. Hầu hết các trẻ sau sinh được thực hiện các xét nghiệm để phát hiện sớm những rối loạn này.