Trong thời kỳ mang thai, với mong muốn cho thai nhi khỏe mạnh các mẹ thường bổ sung nhiều thực phẩm đa dạng. Điều này rất tốt. Tuy vậy, cũng cần phải chú ý đôi chút mẹ nhé, bởi có những món tưởng rằng bổ nhưng khi ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mẹ và bé đâu.
1. Nội tạng
Các món ăn từ nội tạng được biết đến là những thực phẩm ngon, bổ, rẻ. Gan lợn có chứa nhiều chất sắt, protein và vitamin có tác dụng bổ máu, bảo vệ gan.
Tuy nhiên, mẹ bầu cần hạn chế ăn nội tạng nhé. Nguyên nhân là do chúng có chứa hàm lượng lớn vitamin A, khi mẹ sử dụng quá nhiều vitamin có thể khiến thai nhi bị dị dạng.
2. Long nhãn
Long nhãn là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao có tác dụng cho việc bồi bổ khí huyết, an thần nhưng lại có thuộc tính nóng.
Bà bầu thường nóng trong với các triệu chứng táo bón, khô miệng nên được các chuyên gia y khoa khuyên nên ăn đồ mát. Vì vậy các bầu sử dụng long nhãn có thể dẫn tới hiện tượng người đã nóng lại thêm nóng, triệu chứng đi kèm có thể âm đạo ra máu bất thường, đau bụng dưới, rối loạn khí huyết, thậm chí dễ sinh non, sẩy thai.
Mang thai ở những tháng đầu và cuối nên tránh ăn long nhãn.
Tuy vậy, nếu sau sinh sức khỏe mẹ quá yếu thì vẫn nên uống chút nước long nhãn để tăng cường sức lực, giảm hoa mắt chóng mặt, đổ mồ hôi.
Mang thai ở những tháng đầu và cuối nên tránh ăn long nhãn. Ảnh: Internet
3. Hoàng kỳ
Hoàng kỳ là vị thuốc Đông y có tác dụng trợ khí, bổ máu thường được hầm cùng thịt gà là món ăn “đại bổ” hỗ trợ tăng cường sức khỏe.
Tuy nhiên chính vì quá bổ nên mẹ bầu đến gần ngày sinh ăn hoàng kỳ hầm gà sẽ làm rối loạn quy luật sinh lý bình thường của thai nhi, xuất hiện tình trạng bị quá ngày dự sinh hoặc thai quá to nên khó sinh, thường phải sinh mổ.
4. Táo mèo
Vị chua chua, ngọt mát của táo mèo có thể rất thích hợp làm món ăn nhâm nhi của mẹ bầu trong giai đoạn ốm nghén.
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng bà mẹ mang thai không nên ăn táo mèo vì tác dụng phụ nguy hiểm của nó.
Táo mèo có khả năng thúc đẩy tử cung co bóp mạnh dễ gây sinh non, sẩy thai.
Bà mẹ mang thai không nên ăn táo mèo. Ảnh: Internet
5. Rau chân vịt
Rau chân vịt giúp bổ sung acid folic trong thời kỳ chuẩn bị mang thai. Tuy vậy, khi đang có thai lại không nên ăn loại rau này nhiều vì trong một nghiên cứu tại Nhật Bản vừa công bố kết quả cho thấy, tác dụng ngược lại của rau chân vịt. Loại rau này có chứa nhiều axit khiến chất sắt không được hấp thụ, đồng thời còn bị đẩy ra khỏi cơ thể.Việc ăn nhiều rau chân vịt chỉ khiến tình trạng thiếu máu thêm trầm trọng hơn thôi.
6. Trái cây tươi
Ai cũng biết mẹ bầu cần ăn trái cây tươi trong thai kỳ để cung cấp vitamin C và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên trong trái cây ngoài 90% lượng nước thì trong trái cây tươi còn chứa hàm lượng đường rất cao. Đường có trong trái cây tươi là loại đường dễ hấp thu, khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng, dễ dẫn đến việc mỡ trong máu tăng cao.
Để đảm bảo sức khỏe, mẹ bầu không nên ăn quá 300 gram trái cây tươi mỗi ngày nhé.